EU e ngại nghành thép mất việc làm do thép giá rẻ từ Trung Quốc
23/01/2016
Chủ tịch Hiệp hội thép châu Âu (Eurofer), Axel Eggert cảnh báo Trung Quốc được công nhận là nền kinh tế thị trường trong năm nay sẽ đe dọa đến việc làm của gần như toàn bộ 330.000 lao động trong ngành thép của Liên minh châu Âu (EU), cho dù EU có áp đặt bất kỳ biện pháp bảo vệ nào.
Lời cảnh báo trên được đưa ra sau khi nhà sản xuất thép lớn thứ hai châu Âu Tata thông báo cắt giảm 1.050 việc làm tại nước Anh. Giám đốc điều hành Tata tại châu Âu, Karl Koehler, cho rằng toàn ngành sản xuất thép EU đứng trước rủi ro nếu không có các hành động nhanh chóng để đối phó với tình trạng nhập khẩu hàng hóa giá rẻ.
Tuy nhiên, các chính sách thương mại của EU dường như đang đi theo hướng ngược lại.
Dù các cuộc tranh luận gay gắt đang diễn ra, song các dấu hiệu cho thấy EU sẽ công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường sau tháng 12/2016. Bắc Kinh cho rằng việc công nhận nền kinh tế thị trường của nước này là điều rõ ràng sau 15 năm tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Việc công nhận nền kinh tế thị trường đối với Trung Quốc sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho EU khi áp đặt thuế bán phá giá đối với hàng hóa giá rẻ của nước này. Ngành thép châu Âu đã mất khoảng 85.000 việc làm, chiếm hơn 20% lao động trong ngành kể từ năm 2008, khi giá thép giảm xuống mức thấp kỷ lục trong một thập kỷ qua bởi dư thừa công suất sản xuất, nhu cầu sử dụng thép sụt giảm và "làn sóng" nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Trong lúc đó, một nghiên cứu của 25 liên đoàn sản xuất trong EU ước tính khoảng 3,5 triệu việc làm sẽ mất khi Trung Quốc được công nhận có nền kinh tế thị trường.
Hơn thế nữa, ngành sản xuất thép EU còn chịu tác động bởi khu vực này có mức chi phí năng lượng và thuế môi trường cao nhất thế giới. Brussels cam kết sẽ tham khảo ý kiến ngành thép trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Nguồn inoxpuquy.com